jump to navigation

LNP: Hoai co 66 November 14, 2010

Posted by molang4 in Uncategorized.
trackback

Hoài cổ 66

Nhạc sĩ Tiền Chiến xưa và nay (1,2,3,4,5,6)

TỰA

Trong thời đại nhạc thương mãi đang hoành hành trên nửa phần đất nước này, thính giả hầu như đã lãng quên những nét vàng son vang bóng thời qua, những nét nhạc hiện thiếu người nuôi dưỡng, phải lép vế dưới thế lực của những nhà thương mãi và những người có uy thế phổ biến loại nhạc thời-trang hiện nay .

Những ca khúc thời qua sáng tác hoàn toàn bằng cảm hứng, không gượng gạo hay uốn nắn theo một đường hướng khác với ý tác-giả, viết bằng những tình cảm trung thực nên dễ làm xúc cảm người nghe, gợi hoặc để lại cho thính-giả những cái gì cao đẹp mà thời gian khó xóa bỏ được . Họ viết là muốn ghi lại những cái gì muốn nói và hy-vọng truyền cảm qua người khác để dìu dắt nhau cùng đi trên con đường xây dựng Thiện-Mỹ .

Tác-phẩm thời ấy như một đứa con xuất thân một gia đình thanh-cảnh có truyền-thống tốt, lại được nuôi dưỡng tử-tế, làm sao không trở nên một đứa con hữu ích cho xã hội . Người nuôi dưỡng nó là ai ? nhiều khi không phải là người sinh ra nó, mà lại là những người hâm-mộ giá-trị của nó, tự thấy phải có trách-nhiệm giới-thiệu cái hay, cái đẹp cho người khác . Chính nhờ tinh-thần vị-tha và giá-trị của tác-phẩm, nhiều ca, nhạc-sĩ và cơ-quan phổ-biến được nổi danh và nhận được nhiều thiện cảm của thính giả .

Ngược lại thời nay, những tác-phẩm giá-trị lại không được trình bày nhiều vì thiếu người nuôi dưỡng vô vụ lợi, những ca-khúc kém phần nghệ-thuật lại được nghe hoài qua các làn sóng điện . Những bài hát này cũng như những đứa con hư xuất thân những gia đình truyền-thống kém nếu không muốn nói là hạ cấp, có những nét phù-phiếm bên ngoài mà nội dung rỗng tuếch . Nhưng chúng lại gặp may, được sinh sản trong một cái thế-giới đảo điên, tâm hồn con người đang thác-loạn chạy theo cái hào hoa bên ngoài, được săn-sóc bằng những bàn tay trục lợi của những kẻ có thế-lực . Có lẽ vì hiện-trạng chiến-tranh, vì thế-lực kim tiền của ngoại nhân, những người kém trí-thức, thiếu tự trọng đã gặp nhiều cơ-hội tốt trở nên giàu có trong nháy mắt và những kẻ đứng đắn lại phải chịu phận nghèo vì tự-ái . Có lẽ vì hạng người thứ nhất khá nhiều, nên loại nhạc thời-trang hiện nay đã phục-vụ đắc lực cho họ, và loại nhạc đứng đắn có nghệ-thuật không đứng vững được vì hạng người thứ hai quá ít . Đây là điều mà chúng tôi và những người tha-thiết muốn xây dựng cho nền nhạc Việt rất buồn phiền, nhưng không biết làm sao vật đỗ được những tệ đoan ấy vì khả-năng phổ-biến nhạc hiện nay đang ở trong tay những kẻ thủ lợi có thế-lực .

Thấy thực tại mà càng thương mến dĩ-vãng . Cho nên ngay phút đầu tiên tiếp xúc với nhóm “ĐẤT LÀNH” chủ-trương tuyển tập nhạc “VANG BÓNG MỘT THỜI”, tôi đã có cảm tình ngay .

Đây là một việc làm đáng ca ngợi và khuyến-khích, một việc làm vô vụ lợi .

Chúng tôi rất thiết-tha mong Quí Vị đón tiếp tập tuyển nhạc này với một thiện cảm nồng nhiệt, và miễn thứ cho nhóm chủ-trương những thiếu sót vì hoàn cảnh khó khăn trong việc thực-hiện .

HÈ 1971
Văn-Giảng

(nguồn)

Bốn mươi năm trước người ta đã trân trọng nền âm nhạc nước nhà như thế!Ngày nay người ta mơ hồ nói đến nhạc tiền chiến,nhạc vàng trong một trật tự rất lộn xộn,cùng hàng với …nhạc Trịnh!

Từ lâu tôi đã tự nhủ lòng,trong thời đại có sự thuận lợi của mạng toàn cầu Internet,ta phải lợi dụng cơ hội tìm về những giá trị xưa,mà thời mới lớn ta ước ao nhưng chưa thực hiện được.Sau loạt bài hoài cổ,với bao thận trọng và kiềm chế,tôi đã nói được phần nào những bài nhạc Việt ở miền Nam trong khoảng những năm 50_75,và tìm hiểu (qua mạng)những chuyển biến của dòng nhạc đó những ngày sau này.

Bây giờ trở ngược về những năm trước 54 với những tác phẩm tiền chiến và tìm hiểu xem những tác giả của những tác phẩm bất hủ đó có tiểu sử như thế nào và có những sáng tác nào đáng ngưỡng mộ ?Ở đây tôi cũng có những thuận lợi là thông tin,từ những ngày đổi mới (1985) đã có phần nào nới lỏng ( kể cả ngoài luồng)qua các trang web nhạc của Hội Nhạc sĩ hay từ các trang blog cá nhân.Tìm hiểu đến đâu tôi sẽ xin tường trình cùng các bạn,ngay cả những điều đơn giản mà bạn đã biết hay có kèm theo cả sai lạc do kiến thức kém cỏi của tôi.Cô độc trên con đường mới mẻ này,chắc chắn tôi sẽ rất cần sự giúp đỡ của những bạn tôi,những người có hoạt động trong lãnh vực văn nghệ những ngày xưa ấy như HVH,LHC,những người  đã cho tôi biết đến Phạm Duy,Cung Tiến,Anh Việt để tôi say mê với Ngậm Ngùi,Hoài Cảm ,Thơ Ngây …cho đến bây giờ!

Nói đến nhạc Tiền Chiến,tôi xin có lời thanh minh rằng các tài liệu để viết nên bài này được dựa vào Hồi Ký của nhạc Sĩ Phạm Duy (5 ),và lời thuật của nhạc sĩ Lê Thương(4),cũng như các bài viết khác mà tôi tìm được trên các trang mạng.Trước hết xin mời các bạn có một cái nhìn tổng quát  qua trang Wikipédia:

Các nhóm nhạc và nhạc sĩ tiên phong

Nguyễn Xuân Khoát

Được xem như người anh cả trong tân nhạc Việt Nam. Nguyễn Xuân Khoát tuy sáng tác không nhiều vào thời kỳ tiền chiến nhưng những sáng tác của ông lại làm nên những mốc giá trị. Trước khi tác phẩm đầu tay là Bình minh ra đời, ông đã có nhiều bài khảo cứu hay thuyết trình cho sự cải cách nhạc Việt, được đăng nhiều kỳ trên báo Ngày nay của Tự Lực Văn Đoàn. Tác phẩmMầu thời gian của ông phổ thơ Đoàn Phú Tứ, vừa ra đời đã được hoan nghênh lớn.

Lê Thương

Nhạc sĩ Lê Thương khi đó dạy học ở Hải Phòng. Ông là một trong những người có sáng tác sớm nhất. Lê Thương cùng Hoàng Quý, Hoàng Phú (tức nhạc sĩ Tô Vũ), Phạm Ngữ, Canh Thân tụ họp thành một nhóm ca nhạc sĩ trẻ để bắt đầu sáng tác và hát phụ diễn cho những buổi diễn kịch nói của nhóm kịch Thế Lữ. Ông đã để lại nhiều ca khúc, đặc biệt là những bài truyện ca bất hủ nhưBản đàn xuân, Nàng Hà Tiên, Một ngày xanh, Thu trên đảo Kinh ChâuHòn vọng phu.

Văn Cao

Văn Cao cũng ở Hải Phòng. Ban đầu ông thuộc nhóm Đồng Vọng của Hoàng Quý và có những sáng tác đầu tay như Buồn tàn thu, Vui lên đường. Năm 1941, Văn Cao lên Hà Nội, ông đã viết những nhạc phẩm giá trị vượt thời gian như Trương Chi, Thiên Thai, Suối mơ, Bến xuân… Sau đó Văn Cao tham gia Việt Minh và viết Tiến quân ca năm 1944 và Trường ca Sông Lô năm 1947.

Đặng Thế Phong

Đặng Thế Phong thuộc nhóm Nam Định, nhưng ông sớm rời bỏ thành phố để lên Hà Nội. Đầu1941 Đặng Thế Phong vào Sài Gòn rồi sang Campuchia. Cuối 1941 ông trở lại Hà Nội và mất vào năm 1942 bởi bệnh lao. Đặng Thế Phong chỉ để lại ba nhạc phẩm Đêm thu, Con thuyền không bếnGiọt mưa thu. Các sáng tác của ông được xem là tiêu biểu cho dòng nhạc tiến chiến và có ảnh hưởng đến những nhạc sĩ sau đó.

Phạm Duy

Ban đầu là ca sĩ của gánh hát Đức Huy, nên Phạm Duy còn được xem như một trong những người đầu tiên đem thể loại nhạc này đi phổ biến khắp mọi miền đất nước. Phạm Duy gia nhập làng nhạc sĩ năm 1942 với bài Cô hái mơ, phổ thơ Nguyễn Bính, tiếp đó là những bản nhạc lãng mạn như Cây đàn bỏ quên, Tình kỹ nữ, Tiếng bước trên đường khuya hay đậm chất dân ca nhưEm bé quê, Tình ca, Bà mẹ quê, Gánh lúa…Phạm Duy và Văn Cao là hai người bạn thân nên thường giúp đỡ nhau trong nghề, họ từng sáng tác chung các ca khúc Bến xuân, Suối mơ.

Phạm Duy là người có công đầu trong việc đem chất dân ca vào tân nhạc, điều này khiến nhạc cải cách xích lại gần với tầng lớp nông dân, dân nghèo.

Nhóm Myosotis

Myosotis có nghĩa là hoa lưu ly, nhóm nhạc này gồm các nhạc sĩThẩm Oánh, Dương Thiệu Tước, Phạm Văn Nhượng, Trần Dư, Vũ Khánh… trong đó hai thành viên quan trọng nhất là Thẩm Oánh và Dương Thiệu Tước. Hai xu hướng chính của nhóm là:

                     Sáng tác nhạc mới nhưng có âm hưởng nhạc dân tộc do Thẩm Oánh chủ trương.

                     Sáng tác hoàn toàn theo nhạc ngữ Tây phương do Dương Thiệu Tước chủ trương.

Từ 1938 cho tới 1942, nhóm Myosotis với hai nhạc sĩ chính Thẩm Oánh và Dương Thiệu Tước đã để lại nhiều nhạc phẩm giá trị, phần lớn theo phong cách trữ tình lãng mạn.

Nhóm Tricéa

Nhóm Tricéa gồm ba thành viên Văn Chung, Lê YênDoãn Mẫn. Tên nhóm Tricéa có nghĩa: 3 chữ C và 3 chữ A được viết tắt từ tiếng Pháp: Collection Des Chants Composés Par Des Artistes Annamites Associés: “Tuyển chọn các tác phẩm âm nhạc của nhóm người viết nhạc Annam”.

Những năm khoảng 1939, nhiều ca khúc của nhóm được quần chúng yêu thích như: Ca khúc ban chiều, Trên thuyền hoa, Bóng ai qua thềm của Văn Chung; Biệt ly, Sao hoa chóng tàn, Tiếng hát đêm thu của Doãn Mẫn; Bẽ bàng, Xuân nghệ sĩ hành khúc, Ngựa phi đường xa, Vườn xuân của Lê Yên. Cả ba nhạc sĩ của Tricéa đều thành công, trong đó hơn cả là Doãn Mẫn. Họ đã để lại nhiều nhạc phẩm giá trị, một số trong đó được đánh giá vượt thời gian

Nhóm Đồng Vọng

Nhóm Đồng Vọng được thành lập năm 1939 bởi nhạc sĩ Hoàng Quý, xuất phát từ những tráng sinh biết âm nhạc của phong trào Hướng đạo. Xuất hiện ngay từ những năm đầu, gồm nhiều nhạc sĩ tên tuổi Phạm Ngữ, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Văn Cao, Canh Thân và Hoàng Phú (tức Tô Vũ), Đồng Vọng mở ra dòng nhạc hùng trong tân nhạc Việt Nam.

Ngoài những bản hùng ca viết cho thanh niên, phong trào khỏe và hướng đạo, nhóm Đồng Vọng còn để lại nhiều bản tình ca khác. Cùng với nhóm Nhóm Tổng Hội Sinh Viên của Lưu Hữu Phước, Đồng Vọng đã có những ảnh hướng lớn tới tân nhạc Việt Nam.

Nhóm Tổng Hội Sinh Viên

Tổng Hội Sinh Viên được thành lập bởi nhạc sĩ Lưu Hữu Phước. Cùng với nhóm Đồng Vọng, Tổng Hội Sinh Viên mở ra dòng nhạc hùng trong tân nhạc Việt Nam, nhưng so với Đồng Vọng thì Tổng Hội Sinh Viên manh tính chính trị nhiều hơn.

Tổng Hội Sinh Viên được khởi đầu trong nhóm sinh viên ở Hà Nội trong đó nhiều sinh viên miền Nam tỏ ra có khả năng văn nghệ. Tổng Hội Sinh Viên chú trọng đặc biệt đến việc dùng Tân nhạc trong việc đấu tranh chính trị chống PhápNhật. Lưu Hữu Phước cùng với nhóm sinh viên trong Tổng Hội đã tung ra nhiều ca khúc giá trị khơi dậy lòng yêu nước trong dân chúng, đặc biệt là những học sinh, sinh viên. Những ca khúc như Tiếng gọi sinh viên, Hồn tử sĩ, Bạch Đằng giang, Ải Chi Lăng, Hội nghị Diên Hồng, Hờn Sông Gianh… đã để lại dấu ấn trong lịch sử tân nhạc Việt Nam.

Giai đoạn 1945-1954

Từ năm 1946, nhiều nhạc sĩ lên chiến khu và viết ca khúc kháng chiến của Việt Minh chống Pháp. Nhưng nhiều người trong số họ vẫn có những sáng tác lãng mạn như Nguyễn Văn Tý với Dư âm, Trần Hoàn với Sơn nữ ca, Tô Hải với Nụ cười sơn cước, Việt Lang với Tình quê hương

Trong vùng đô thị Pháp tạm chiếm, cả hai dòng nhạc yêu nước và lãng mạn tiếp tục được trình diễn trên đài phát thanh, trong vũ trường và các quán rượu. Năm 1950, tạp chí Việt Nhạc của đài phát thanh Hà Nội đã xuất bản một danh mục hơn 300 ca khúc Việt Nam họ đã phát thanh gồm cả những bài hát lãng mạn và những bài hát mới được sáng tác dành cho những người lính kháng chiến trong rừng núi. Cho tới lúc chấm dứt hoạt động vào năm 1954, họ đã phát thanh được hơn 2000 bài của hơn 300 tác giả.

Sau 1954 ở miền Nam

Sau năm 1954, Việt Nam chia làm hai miền với chế độ khác nhau. Những nhạc sĩ tiền chiến ở lại miền Bắc không còn sáng tác, hoặc không phổ biến những ca khúc trữ tình lãng mạn. Những nhạc phẩm tiền chiến cũng giống như các tác phẩm văn học lãng mạn (ví dụ tiểu thuyếtTự Lực Văn Đoàn) không được phép lưu hành. Những bài hát ở miền Bắc khi đó thường để cổ vũ chiến đấu, xây dựng đất nước, đấu tranh cách mạng… và được xếp vào dòng nhạc đỏ.

Một số nhạc sĩ khác di cư vào miền Nam năm 1954 như Hoàng Trọng, Văn Phụng… hoặc từ trước đó như Lê Thương, Phạm Duy… và những nhạc sĩ trẻ hơn như Phạm Đình Chương, Cung Tiến… đã tiếp tục dòng nhạc tiền chiến tại miền Nam.

Những nhạc sĩ này trong khoảng 1954 đến 1975 có những sáng tác đa dạng, trong đó nhiều ca khúc của họ vẫn được xếp chung vào dòng nhạc tiền chiến, có thể kể đến là Mộng dưới hoa, Trường ca Hội trùng dương, Đôi mắt người Sơn Tây của Phạm Đình Chương, Hương xưa, Thu vàng của Cung Tiến. Những nhạc phẩm tiền chiến thường xuyên được trình diễn và thu âm bởi những tiếng hát hàng đầu như Thái Thanh, Lệ Thu, Khánh Ly, Duy Trác, Sĩ Phú, Hà Thanh

Số phận nhạc tiền chiến sau 1975

Tại Việt Nam

Tại Việt Nam sau 1975, phần lớn những ca khúc tiền chiến vẫn không được lưu hành. Cho tới năm 1987, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đưa ra quyết định “cởi trói văn nghệ“, một số bản nhạc tiền chiến mới được trình diễn trở lại. Từ đó, những nhạc phẩm của Văn Cao, Đoàn Chuẩn, Đặng Thế Phong… được các ca sĩ trình diễn nhiều nơi, trong đó phải kể đến những nỗ lực của ca sĩ Ánh Tuyết.

Những năm đầu thế kỷ 21, những ca khúc đầu tiên của dòng tân nhạc ấy vẫn thường xuyên được các ca sĩ trẻ trình diễn và thu âm. Và một vài người trong số đó đã thanh danh nhờ dòng nhạc này.

Ở hải ngoại

Sau sự kiện 30 tháng 4 1975, nhiều ca sĩ và nhạc sĩ của miền Nam rời Việt Nam định cư tại nhiều nước trên thế giới, tập trung nhất ở Hoa Kỳ. Tại hải ngoại, các nhạc sĩ như Phạm Đình Chương, Văn Phụng, Hoàng Trọng, Cung Tiến… ít sáng tác. Có thể nói không nhạc phẩm nào ra đời ở hải ngoại được xếp vào dòng nhạc tiền chiến.

Nhưng dòng nhạc đó vẫn được yêu thích, những ca sĩ đã thành danh trước 1975 như Khánh Ly, Lệ Thu, Thái Thanh, Hà Thanh, Mai Hương,Quỳnh Giao, Tuấn Ngọc, Khánh Hà… hay những ca sĩ trẻ như Trần Thái Hòa, Ngọc Hạ… thường xuyên trình diễn những nhạc phẩm này.

Tuy nhiều nhạc sĩ danh tiếng trong giai đoạn này như Lê Trạch Lựu,Hoàng Giác,Hùng Lân,Hoàng Việt,Phan Huỳnh Điểu,Nguyễn Văn Thương… chưa được liệt kê ra đây,cũng như vai trò của nhạc sĩ Nguyễn văn Tuyên (3)nhưng trên tinh thần của bản mục lục này,tôi sẽ lần lượt giới thiệu với các bạn những tìm tòi của tôi qua các trang mạng.

Nhạc Sĩ Nguyễn Xuân Khoát (1,2)mà tiểu sử như ở trên có thể bổ túc thêm bằng bài viết của Hội Nhạc Sĩ VN:

Nguyễn Xuân Khoát là một trong số hiếm hoi các học viên của Viễn Đông Nhạc viện mở ở Hà Nội thập niên 30. Ông chơi thành thạo violon, piano và nhất là contrebasse.

Ấn phẩm âm nhạc đầu tiên của ông – bài hát Bình minh (thơ của Thế Lữ) in trên tờ Ngày nay mùa thu 1938 được xem như mốc son đánh dấu sự ra đời của tân nhạc Việt Nam. Ý thức được sự riêng biệt của âm nhạc Việt Nam, ở nhiều tác phẩm của mình, Nguyễn Xuân Khoát đã phủ vào đấy đậm đặc chất liệu âm nhạc dân gian như Con cò mày đi ăn đêmCon voiThằng Bờm… và những tiểu luận, khảo cứu đăng tải trên báo chí về ca trù, quan họ, chèo… Năm 1942, ông tham gia nhóm Xuân Thu Nhã Tập cũng với tiêu chí trên và đã thực hiện phổ nhạc một cách độc đáo bài thơ Màu thời

gian của Đoàn Phú Tứ (một nhà thơ thành viên của nhóm).

Cùng Thế Lữ tổ chức Đoàn kịch Anh Vũ, ông đã đi dọc suốt những năm tháng đầu tiên sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công. Ông là thành viên quan trọng trong Hội Khuyến nhạc tổ chức ở Hà Nội lúc bấy giờ. Quán Nghệ sĩ Hà Nội, mà khi ấy, ông là linh hồn của ban nhạc, đã ghi lại một dấu ấn văn hoá trước ngày Toàn quốc kháng chiến.

Trong kháng chiến chống Pháp, ông nổi tiếng với Tiếng chuông nhà thờ, Uất hận… Trong giai đoạn tham gia quân đội, ông đã cùng Nguyễn Đình Thi viết lại Con voi và sáng tác Hát mừng bộ đội chiến thắng, vẫn một tâm niệm về nghệ thuật âm nhạc dân tộc. Hoà bình lập lại, ông hứng khởi với hợp xướng Ta đã lớn, Hò kiến thiếtLúa thu – một ca khúc thiếu nhi khá độc đáo về đề tài đấu tranh thống nhất đất nước. Cũng trong thời kỳ này, trong sự tín nhiệm của toàn thể anh em nhạc sĩ, ông được bầu là Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam Khoá I.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông có Tay súng sẵn sàng, tay lúa vững vàng như cùng nhạc sĩ cả nước thúc giục chiến đấu. Theo lời Bác gọi của ông (phỏng thơ Lê Kỳ Văn) đã như lời hiệu triệu bằng âm nhạc kêu gọi thanh niên lên đường ra tiền tuyến.

Kiên trì trên con đường gìn giữ bản sắc dân tộc trong âm nhạc, bên cạnh những khảo cứu, tiểu luận bày tỏ quan niệm, tình cảm của mình, Nguyễn Xuân Khoát thực hiện tiêu chí ấy trong nhiều tác phẩm như thanh xướng kịch Vượt sông Cái, Trống Tràng Thành viết cho piano, rồi đến những hoà tấu nhạc cụ như Ông Gióng,Sơn Tinh – Thuỷ Tinh và hoàn toàn cho bộ gõ dân tộc như Tiếng pháo giao thừa, Cúc – Trúc – Tùng – Mai

Những năm cuối đời, tuổi càng cao, ý nghĩ của ông càng sắc sảo, sâu nặng. Ông đã truyền được ngọn lửa gìn giữ bản sắc dân tộc sang các thế hệ nhạc sĩ lớp sau bằng bài viết, bằng tác phẩm, bằng cả những cuộc trò chuyện. Ông đã xuất bản nhiều tuyển tập ca khúc, nhiều sách chuyên khảo và album tác giả.

Nguyễn Xuân Khoát để lại một dấu ấn không phai mờ trong lịch sử tân nhạc Việt Nam, trong lịch sử Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

(Nguồn :Tranquanhai)

Tất cả chỉ là sự ca tụng chung chung,không thể tìm thấy những tài liêu cần tham khảo,vì “không có dấu ấn” nào để lại trong các tác phẩm trình diễn của ông được lưu lại trên net,hay trong tâm tưởng những người nghe nhạc Việt,ngoài mộ số bài được ca sĩ miền Nam trình diễn như:

Mầu Thời Gian “(thơ Đoàn Phú Thứ, Bích Hồng trình bày)(1942)

Sớm nay tiếng chim thanh
Trong gió xanh
Dìu vương hương ấm thoảng xuân tình

Ngàn xưa không lạnh nữa, Tần Phi
Ta lặng dâng nàng
Trời mây phảng phất nhuốm thời gian
Màu thời gian không xanh
Màu thời gian tím ngát
Hương thời gian không nồng
Hương thời gian thanh thanh

Tóc mây một món chiếc dao vàng
Nghìn trùng e lệ phụng quân vương
Trăm năm tình cũ lìa không hận
Thà nép mày hoa thiếp phụ chàng

Duyên trăm năm đứt đoạn
Tình muôn thuở còn hương
Hương thời gian thanh thanh
Màu thời gian tím ngát

và bài:

Tiếng Chuông Nhà Thờ

Thánh-đường tôn-nghiêm,
Giặc tràn tới chiếm,
Gác cao quả-thánh, đặt súng thay chuông,
Khúc hát bạo-cuồng,
Tàn-sát dân lành.

Đây xưa nay, ngày những ngày, những hồi chuông.
Đây xưa nay, ngày những ngày, tiếng tiếng buông.

Tiếng buông hồi chuông nhân-chủng cầu Chúa ban phước ân lành cho nhân-loại.

Đây xưa nay, ngày những ngày, những hồi chuông.
Đây xưa nay, ngày những ngày, tiếng tiếng buông.

Tiếng buông hồi chuông vui mừng nỗi duyên đôi lứa uyên-ương lập gia-đình.

Đây xưa nay, ngày những ngày, những hồi chuông.
Đây xưa nay, ngày những ngày, tiếng tiếng buông.

Tiếng buông hồi chuông nhân-từ vui đón rửa tội-tổ-tông kẻ sơ-sinh.

Đây xưa nay, ngày những ngày, những hồi chuông.
Đây xưa nay, ngày những ngày, tiếng tiếng buông.

Tiếng buông hồi chuông rỉ-rền đưa cất linh-hồn kẻ chết về thiên-đường.

Thế mà giờ đây
Thánh-đường tôn-nghiêm,
Giặc Vàng tới chiếm,
Gác cao quả-thánh, đặt súng thay chuông,
Khúc hát bạo-cuồng,
Tàn-sát dân lành,
Tàn-sát dân lành.

Nhưng rồi đây, rồi đây giết hết loài gian.
Nhưng rồi đây, rồi đây giết hết loài gian.
Nhạc thánh buông lơi đổ tiếng vàng
Đời-đời âm-vọng gác nghiêm-trang.

Nhưng rồi đây, rồi đây giết hết loài gian.
Nhưng rồi đây, rồi đây giết hết loài gian.
Nhạc thánh buông lơi đổ tiếng vàng
Đời-đời âm-vọng gác nghiêm-trang.

Tài-liệu tham-khảo:

(1) Băng nhạc Mây Hồng – Giáng-sinh 1970 – Y Vân thực-hiện – Giọng hát: Anh Ngọc và toàn ban phụ-hoạ.

Thực ra mấy bài này ít phổ biến,nên không mấy ai biết,nhưng bài “Con voi “của ông thì đám nhi đồng chúng tôi thời đó,đứa nào cũng thuộc,nhất là sau này có phong trào Hướng đạo,ở đâu có cắm trại,ở đó nghe hát vang:

Con Voi 1

Trông kìa con voi , nó đứng rung rinh
Nghiêng mình trông đám nhên đang vò tơ
Anh chàng voi ta thích chí mê tơi
Liền mời anh khác từ xa vào chơi . . .

 

Chưa thể so với nhạc cổ điển hay tân nhạc Tây Phương thời đó với những Schubert,Chopin,…nhưng dù sao đây cũng là một cái mốc ban đầu để 60 năm sau ta có được một nền tân nhạc như ngày nay !Và tôi cho rằng đã có một  sự tiến bộ đó vượt bậc !

(Còn tiếp)

Lê Ngọc Phượng

13/11/2010

 

Comments»

No comments yet — be the first.

Leave a comment