jump to navigation

LNP: Hoai co 58 August 29, 2010

Posted by molang4 in Uncategorized.
trackback

Câu Chuyện Âm Nhạc 58

Trần Như Vĩnh Lạc_Đoàn Thế Ngữ (1,2,3,4,5,6,7,8,9,10,11,12,13,14,15,16,17,18,19)

Vĩnh Lạc_Lam Phương

Tôi vừa gửi đi bài Hoài cổ 57 viết về chuyên gia viết lời Hồ Đình Phương thì lại đọc ngay bài “Hiểu ca từ không có nghĩa là hiểu Âm Nhạc” của tác giả Vĩnh Lạc”.Không dè lại là  “người quen“Đoàn thế Ngữ của đài VOVN,Houston,TX chỗ của “người gác vườn”!Rồi cũng từ TX,ông bạn Khuy cho nghe một “Dangkhanh_VOVN Concert” với MC Trần Như Vĩnh Lạc!Chắc là xui khiến chi đây để tôi phải viết về ông “nhạc sĩ lai”rất đáng khâm phục này.

Trần Như Vĩnh Lạc trong chương trình “Âm Thanh Ngôn Từ” của đài VOVN lấy tên là Đoàn Thế Ngữ,mà trong bài Hoài Cổ 16 về nhạc sĩ Cung Tiến tôi đã có dịp nói đến khi ông “hơi nhất hơi nhì” ca tụng thần tượng của mình và “mắng mỏ” ca sĩ hát nhạc người ta không nên hồn,hóa ra là một nhạc sĩ “có bằng cấp”

“…nhạc sĩ Vĩnh Lạc tốt nghiệp Cao Học (Master) về ngành trình tấu Piano tại Hoa Kỳ. Hiện tại nhạc sĩ Vĩnh Lạc đang làm việc full time cho nhà hát Opera và Ballet Academy tại thành phố Houston thuộc tiểu bang Texas. Anh thông thạo 4 ngoại ngữ và hiện đang chuẩn bị theo học tiến sĩ (PhD) về ngành Ngôn Ngữ Học Phương Ðông (Asian Language Studies). Ngoài ra anh cũng đang phụ trách những chương trình văn học nghệ thuật của đài VOVN Radio (13),

và là con nhà nòi vì mẹ của ông là một giáo sư dạy Piano chuyên nghiệp!

Hãy xem bà con có ý kiến gì về ông:

“Hôm nay tự nhiên tôi nhớ một cái tên, tôi tìm ông trong Google,Trần Như Vĩnh Lạc, Đòan Thế Ngữ. Một dạo tôi hay nghe ông nói về âm nhạc và văn chương. Lần đầu nghe ông nói chuyện trên radio, tôi cứ ngỡ người thanh niên còn rất trẻ mà biết sâu sắc về chế độ cộng sản khi ông đọc và hát một bài vè chế diễu chế độ rất là tiếu lâm.  Theo lời ông tự giới thiệu hồi đó, cách đây cả chục năm, ông là con lai, mẹ người Minh Hương ở miền Nam, và bố là một người Âu, hình như Ái Nhĩ Lan nếu tôi không nhớ lầm.
Thế mà ông rành rọt tiếng Việt và tiếng Hoa, kể chuyện thơ văn Việt Nam/TQ mà tôi nghĩ hiếm người trẻ tuổi nào có thể tường tận như thế, cho nên tôi tăng tuổi ông lên độ trên dưới 40.  Đến hôm nay xem qua Youtube mới rõ là ông đã lớn tuổi hơn tôi nghĩ, thì ra cái giọng mạnh mẽ của ông đã làm cho người nghe sai lạc về tuổi tác của ông.
Phải cám ơn Youtube để tôi không lầm lẫn về một người đàn ông. Nhưng nghe ông diễn giải về văn chương và âm nhạc thú vị hơn nhìn ông nói, phải thế chứ , phải ở tuổi nào người ta mới đủ thời gian lĩnh hội từng ấy kiến thức, chứ còn bé, thì có thì giờ đâu.(3)

Hay:
đây là 1 người tôi rất ngưỡng mộ vì tri thức uyên bác, đông tây kim cổ của ông.
Nếu bạn nào thích thú tìm hiểu về nền văn hóa Á Đông – Tây Phương, những tương đồng, khác biệt của chúng – để rồi quay về hiểu văn hóa Việt mình hơn thì nhắn tin, tôi sẽ gửi cho những bài nói chuyện của ông.
Ông có sáng tác CD nhạc Con Tạo Xoay Vần rất có giá trị , nhưng chỉ để đóng góp vào nền văn hóa âm nhạc Việt và tặng cho bạn bè chứ không phải bán lấy tiền .
Ông có mẹ ngừoi Việt – Bố là lĩnh Mỹ, đã chết trong chiến tranh Việt Nam
Giờ ông hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc – Dàn nhạc nhà hát nhạc vũ kịch thành phố Houston – Hoa Kỳ.(*)

Tôi không dám khen ông nhiều,mà bảo là fan của ông thì cũng không đúng,vì chỉ nhờ lang thang trên mạng mà mới biết đến ông.Nhưng với một người mồm miệng kém cỏi như tôi,ông quả là một nhà hùng biện ,và nếu có một đứa cháu ngoại,tôi muốn có được một đứa như ông!

Có một người mẹ Minh Hương và một ông bố Tây nên Vĩnh Lạc nhận mình là con lai,thậm chí sau 75,khi còn ở VN,còn bị”qui” là con “đế quốc”,nhưng tấm lòng của ông đối với VN thì vô cùng,sự am hiểu tiếng Việt của ông thì phải nói là uyên bác,và sự lưu loát của ông thì không ai bì!Trong tất cả các bài nói chuyện của ông hay khi ở trên sân khấu,tôi chưa từng thấy ông va vấp hay ngập ngừng mà nói “không mệt mỏi” suốt từ đầu đến cuối,cũng đáng kể là kì tài! Mời các bạn nghe phần giới thiệu nhạc kịch Carmen,Ed Đoàn (Vĩnh Lạc) thử viết cả lời Việt và hát thử “Carmen lời Việt”rất là trào phúng,và rất …thú vị :

Vĩnh Lạc với Carmen (5)

Lại xin mời các bạn nghe bài giới thiệucủa ông cho DVD Lặng Lẽ Tiếng Dương Cầm của Nguyễn Ánh 9:

MC Nhạc Sĩ Vĩnh Lạc (1)

Và tiếp theo:

Vĩnh Lạc đọc thơ Beaudelaire và đàn Piano(2)

Tôi  thấy Vĩnh Lạc đúng là một MC  tự tin và có tính chuyên nghiệp cao!

Vĩnh Lạc cũng viết lời Việt cho một số bài nhạc ngoại quốc như:

Bản Tango Lâm Truy ( Je ne t’aime pas,Lời Việt Vĩnh Lạc,Lê Uyên ca)(6)

Đi Hoang (NanasLied,Lời Việt Vĩnh Lạc,Thái Hiền ca)(7)

Nhưng người ta thường khen ông vì tài đàn Piano hơn là chuyện sáng tác bài hát!

Tôi rất đắc ý với bài Tấm Cám của Vĩnh Lạc,một bài nhận định đúng đắn về chuyện cổ tích VN và cách giữ gìn nguồn gốc cuả người Viêt tại nước ngoài:”Có nên kể một câu chuyện quá sức dã man tàn ác như vậy cho con em chúng ta ?”(8)

Một bài khác:

Âm Thanh&Ngôn Từ 06 (Chuyện phiếm về hai ông Phó Tổng Thống)(17),

tuy chẳng phải là những câu chuyện âm nhạc nhưng cũng đáng cho chúng ta lắng nghe và suy nghĩ!

Các bạn cũng có thể từ đó nghe thêm các bài Âm Thanh Ngôn Từ 04,05 v.v…

Chúc các bạn cuối tuần vui vẻ!

Lê Ngọc Phượng

28/8/2010

Xem thêm:

Hiểu ca từ không có nghĩa là hiểu âm nhạc

Những nhà chuyên môn lẫn những người không chuyên âm nhạc vẫn thường hay dùng câu “hiểu âm nhạc” mà không xét tới nghĩa chính xác của câu này, thậm chí không nghĩ tới việc khái niệm “hiểu” có thể áp dụng cho âm nhạc hay không.

Chúng ta nói: “tôi không hiểu Beethoven” giống như chúng ta nói: “tôi không hiểu Einstein”, nhưng chúng ta không để ý sự khác biệt giữa các phát biểu này. Đâu là cái khác biệt giữa một nhạc phẩm mà ta hiểu với một nhạc phẩm mà ta không hiểu? Có một cái gì khác ngoài ca từ có thể hiểu được trong âm nhạc không?

“Hiểu” là một động tác của tri thức. Âm nhạc có phải là tri thức để mà hiểu hay không? Nếu ta nói rằng có, tức là tri thức có một vai trò gì đó trong thưởng thức âm nhạc, thì chúng ta có thể kết luận rằng chính cái đó sẽ xác định xúc cảm và lạc thú mà bản nhạc đem lại cho chúng ta? Hay là sự thấu hiểu sẽ theo gót chứ không dẫn dắt xúc cảm?

Từ “hiểu” chỉ có thể áp dụng cho âm nhạc nếu như âm nhạc có một ý nghĩa nào đó. Hiểu tức là nắm bắt được ý nghĩa, mà ý nghĩa là cái giá trị khách quan được tượng trưng bởi các ký hiệu và mối liên hệ giữa những ký hiệu với nhau.

Liệu có thể có một khái niệm nào trong âm nhạc có chức năng làm biểu tượng cho một ý nghĩa nào đó? Chẳng hạn, ta thường thấy các chỉ dẫn ghi trong bản nhạc: “hùng tráng”, “vui tươi” hay “chậm, buồn”, đó là những chỉ dẫn rất mơ hồ, không có gì đảm bảo những dàn nhạc khác nhau thể hiện cái “hùng tráng”, “vui tươi”, “buồn” như nhau cả.  Chính việc nhà soạn nhạc ghi những chỉ dẫn như thế trên bản nhạc cho ta thấy sự bất lực của phép ký âm trong việc bảo đảm truyền đạt ý của tác giả đến người trình tấu.

Thính giả của một bài diễn thuyết bằng lời có thể có những phản ứng khác nhau về bài nói. Thính giả của một bản nhạc cũng thế. Khác biệt là bài diễn thuyết có một ý nghĩa xác định rõ ràng qua nội dung những từ ngữ trong bài, ý nghĩa từng từ ngữ đó được ghi rõ trong từ điển. Nếu một bài diễn thuyết kêu gọi hòa bình lại gây ra xô xát, ta bảo bài diễn thuyết đó bị hiểu lầm. Điều này không thể xác định rõ như thế trong âm nhạc.

Trong âm nhạc, hệ thống các âm thanh được cảm nhận trực tiếp, nó có một giá trị thực chất, nó có thể khơi dậy những cảm xúc mãnh liệt, nhưng tất cả diễn ra trong một mức sâu kín hơn ngôn ngữ trong tâm tưởng người thưởng thức, và chính sự thưởng thức mới quan trọng hơn sự thấu hiểu.

Với một bài văn là con thuyền “chở” ý thì bản nhạc tự nó đến với ta, không nhờ ai “chở” đi và có thể cũng không “chở” ai đi. Chúng ta thưởng thức bản thân âm thanh chứ không thưởng thức cái mà âm thanh mang đến.

Nhưng phải chăng ngôn ngữ luôn chỉ là một hệ thống ký hiệu mà không có chút giá trị nội tại nào trong những câu, chữ? Không, hoàn toàn không. Hãy xem thơ ca, nếu tách bài thơ thành những mệnh đề, nhóm từ và từ mà phân tích, liệu chúng ta có nắm bắt tất cả giá trị tiềm ẩn trong bài thơ? Hoàn toàn không, chúng ta sẽ bỏ mất thật nhiều, đôi khi là tất cả. Bài thơ chỉ được truyền đạt trọn vẹn khi nó đến một cách toàn vẹn, mọi sự phân tích sẽ ít nhiều làm mất cái “chất thơ”.

Thơ, đó là ngôn từ được sử dụng một cách nghệ thuật, nó mang lại giá trị của bản thân ngôn từ chứ không chỉ ý nghĩa. Từ âm điệu, vần nhịp, xúc cảm không diễn giải được, các giá trị này nằm bàng bạc trong toàn thể bài thơ mà không nằm ở bất cứ phần nào có thể chỉ ra được. Cũng như thế, một khúc nhạc không thể được phân tích, tách rời và diễn dịch bằng các thuật ngữ hợp lý.

Nhưng sẽ là sai lầm nếu từ đó rút ra kết luận “âm nhạc không có nghĩa gì cả”, hoặc nội dung của âm nhạc là mơ hồ. Cho dù âm nhạc là không thể diễn dịch được, có một cái tạm gọi là “nhạc cảm” trong bản nhạc, nó có thể cực kỳ xác định. Nói đến nhạc cảm không chỉ là nói đến các cảm xúc vọng lại từ thính giả. Những cảm xúc vọng lại này sẽ tan biến, nhưng tồn tại rõ ràng trong mỗi bản nhạc là cái nội dung tinh thần làm cho một bản nhạc không thể lẫn lộn với các bản nhạc khác.

Một bản nhạc được sáng tác ra, nhiều nhạc công chơi nó, tất cả đều khác nhau đôi chút trong cách xử lý nốt nhạc, họ tạo ra những phản ứng khác nhau từ thính giả. Tất cả những cách thể hiện và đáp ứng đó đều không sai, vì dựa trên cái gì để phán xét? Chỉ riêng tác giả biết được cảm xúc của thính giả có đúng với những gì mình muốn diễn đạt hay không. Nhưng rồi tác giả mất đi, tất cả chỉ còn là những ký hiệu trên trang giấy và những chỉ dẫn mơ hồ về cách diễn tấu.

Một số cảm xúc có thể được truyền đạt không phải qua bản thân âm thanh của bản nhạc mà từ tên gọi, ca từ, giai thoại, kiến thức về tiểu sử tác giả, về hoàn cảnh lịch sử khi bản nhạc ra đời. Gạt bỏ tất cả những thứ ngoài bản thân âm thanh thì bản nhạc truyền đạt được gì? Truyền đạt cụ thể và chính xác đến mức nào? Nếu đặt lại tên, đặt lại lời một bài hát, liệu có thể làm quay ngược nhạc cảm 180 độ hay không?

Người ta thường có khuynh hướng cho rằng âm nhạc là nghệ thuật kết hợp các âm thanh, các nhà soạn nhạc được hình dung như các phù thủy, pha trộn âm thanh để tạo ra cảm xúc và khoái cảm cho thính giác. Nếu chỉ có thế, một đầu bếp trứ danh cũng làm phép trên thịt thà, rau cá, phối hợp hương vị để tạo cảm xúc và khoái cảm cho thực khách, có kém gì?

Cái khác biệt là người ta có thể thưởng thức món ăn mà không cần nhiều đến trí thông minh, học vấn và vốn sống, nhưng với âm nhạc thì không thể. Khi nghe nhạc, người ta chấp nhận một kết nối tâm linh giữa tác giả, người trình tấu và người nghe, trong đó cả ba đều thể hiện và phát triển nhân cách của mình, nhiều hay ít. Trong âm nhạc, luôn có trao và nhận, có biểu đạt và tiếp thụ, song hơn nữa, có sự sáng tạo không chỉ ở người trao mà còn ở người nhận.

Vậy âm nhạc không phải chỉ là sự kết hợp âm thanh để tạo khoái cảm cho đôi tai. Nội dung của âm nhạc, nếu như không diễn giải được, không phải vì nó quá mơ hồ, mà ngược lại, bởi vì nó quá cụ thể. Nó là nhân cách, con người của nhạc sĩ. Nếu tôi giới thiệu với bạn một người, tôi có thể nói gì? Đây là ông X, ông là tiến sĩ, giáo sư, ông đã viết công trình A và B, ông đã phát minh ra Y và Z…, tất cả những điều đó cho bạn cảm giác cụ thể về ông X, kỳ thực chúng chỉ là trừu tượng. Ông X cụ thể, bạn chỉ biết khi đã sống với ông ta, có những giao tiếp mật thiết với ông ta. Cái cụ thể không thể diễn giải gì thêm, ngược lại cái có thể diễn giải bằng lời lại chỉ là những điều trừu tượng.

Bạn cho tôi nghe một khúc nhạc và hỏi tôi: Bạn nghe thấy gì? Bạn có thể nói lên điều gì? Nếu đó là âm nhạc đích thực, tôi chỉ có thể nói: Tôi nghe thấy khúc nhạc của bạn, tôi không thể truyền đạt cho ai điều gì về khúc nhạc ấy, ngoài việc chơi lại nó lần nữa, nếu tôi có thể.

Có lẽ có hai cách nghe nhạc khác nhau. Một là gắng sức cảm thụ cái đẹp, khi đó nghe một bản nhạc có thể là một công việc đôi khi mệt nhọc và đôi khi có cả đau đớn, tương tự như đọc một bài thơ buồn, xem một vở bi kịch, nó đòi hỏi một sự chuẩn bị tinh thần, một quá trình hành động tích cực và chủ động diễn ra trong tâm thức, phối hợp với sự diễn tấu. Cách thứ hai, mà tôi cho là đa số người nghe nhạc thường theo, là thụ động buông mình theo cảm giác, nhằm tìm thấy những khoảnh khắc vắng mặt của ý thức. Có những bản nhạc thích hợp cho cách nghe này hay cách nghe kia, có lẽ người ta chia âm nhạc ra loại “giải trí” và loại “nghiêm túc” là vì vậy.

Nhưng cũng chẳng có gì cấm chúng ta cảm thụ theo cả hai cách cùng một lúc.

Vĩnh Lạc

Comments»

No comments yet — be the first.

Leave a comment